Nhân lực AI - Chìa khóa cho tương lai số
Tiềm năng lớn nhưng nhân lực chưa đủ mạnh
Tại Hội nghị Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu lên thực trạng về nguồn nhân lực AI tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin; trong đó, có khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản. Năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.

Năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. Ảnh: Giang Nam
Khan hiếm nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề mà ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc NVIDIA Việt Nam thẳng thắn chỉ ra. Theo ông Cường, Việt Nam đang khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ, trong nhiều công đoạn, như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể, khi AI đi vào các chuyên ngành, như sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông…, Việt Nam lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI. Do đó, Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó, FPT hiện có 12.000 kỹ sư về AI, được cấp gần 10.000 chứng chỉ NVIDIA (đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, lập trình GPU, và điện toán hiệu năng cao...) trong thời gian ngắn. FPT cam kết đến năm 2030, sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI, tham gia đào tạo chuyển đổi 500.000 kỹ sư công nghệ thông tin sang AI.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên đến 79,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Google khuyến nghị, Việt Nam cần củng cố hạ tầng kỹ thuật, đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI và tăng cường khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.
Là người đứng đầu một tập đoàn công nghệ lớn, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, Tập đoàn rất mong muốn và đã xin nhận nhiệm vụ thực hiện những bài toán lớn của Chính phủ trong lĩnh vực công nghệ số và AI. Việc này sẽ giúp Việt Nam giải quyết các bài toán lớn và có thể nhân rộng cho những ứng dụng khác.
VNPT hướng đến trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và đạt trình độ khu vực, quốc tế, có khả năng xuất khẩu được công nghệ và sản phẩm AI. Để đạt được mục tiêu đột phá đó, cần cơ chế và nguồn nhân lực. VNPT cần hàng nghìn nhân tài, nhân lực trong 1 - 2 năm. Đây cũng là thách thức cho đầu tư về nguồn lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp nhà nước.
Cần có chương trình lớn về đào tạo nhân lực
Từ kinh nghiệm của NVDIA, ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ, để đào tạo số lượng lớn nhân lực có chất lượng, Việt Nam cần số lượng giảng viên có chất lượng cao và cần áp dụng phương thức "train the trainer" (đào tạo nội bộ), cũng như kết hợp giữa phương pháp đào tạo tự học và giáo viên hướng dẫn. Về chương trình đào tạo, cần đào tạo ở cả 3 cấp độ: nâng cấp, đào tạo lại cho nhân lực công nghệ thông tin hiện có cho các đơn vị công lập, doanh nghiệp, start-up; đào tạo mới cho sinh viên đại trà, đào tạo chất lượng cao mũi nhọn.
Đặc biệt, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên...
Ông Suk Ji-won, Tổng giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài trong đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài. Trong đó, có thể kể đến như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Ông Suk Ji-won mong rằng, những chính sách này cũng sẽ được áp dụng cho đội ngũ nhân lực xuất sắc được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tuyển chọn và những chuyên gia được các doanh nghiệp cử sang Việt Nam làm việc trong các dự án công nghệ cao.
Một trong những thách thức lớn trong đào tạo nhân lực AI là sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà nước và các trường đại học. Hiện nay, nhiều trường đại học đã mở các chương trình AI, nhưng vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, các trường đại học nên có quỹ hỗ trợ sinh viên ra nước ngoài học tập, tiếp thu kiến thức mới, sau đó quay về phục vụ đất nước; đồng thời, cần có chính sách đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp để các trường trở thành trung tâm nghiên cứu AI thực thụ.
Trong cuộc đua AI, nguồn nhân lực là chìa khóa. Một chiến lược tổng thể với sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng AI, đóng góp cho nền kinh tế số và nâng cao vị thế công nghệ trên trường quốc tế.
Để làm được việc này, cần xây dựng các phòng thí nghiệm AI hiện đại trong trường đại học. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng đầu tư phòng thí nghiệm AI, do đó, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT để xây dựng các trung tâm nghiên cứu chung.
Dương Lê
Có thể bạn quan tâm


Trường Đại học Công nghệ miễn học phí cho học viên cao học và nghiên cứu sinh
Nhân lực số
Khánh thành phòng đào tạo xuất sắc Center of Excellence
Nhân lực số
FPT thúc đẩy giải pháp SAP tại Nhật Bản
Nhân lực số