Triển khai 5G phải dựa trên dữ liệu khách hàng
Sự chuyển dịch từ 2G, 3G, 4G đến 5G: Từ phạm vi đến chất lượng
Trong giai đoạn triển khai 2G, 3G và 4G, chiến lược chính của các nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone, là phủ sóng nhanh và rộng khắp nhằm đảm bảo tất cả người dân có thể tiếp cận dịch vụ di động. Ở thời điểm đó, ứng dụng chính của mạng di động là thoại, tin nhắn SMS và truy cập Internet ở mức cơ bản. Do đó, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo vùng phủ sóng rộng, từ thành thị đến nông thôn, để ai cũng có thể sử dụng dịch vụ di động.
Trạm phát song 5G của Vinaphone. Ảnh: VNPT
Tuy nhiên, khi chuyển sang mạng 5G, các nhà mạng phải đối mặt với một thách thức mới: nâng cấp từ "có di động thành có di động chất lượng cao." Điều này có nghĩa là thay vì chỉ đảm bảo phạm vi phủ sóng, các nhà mạng cần chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ truy cập và khả năng đáp ứng các yêu cầu cao về độ trễ thấp. Đây là những yếu tố mà 5G mang lại vượt trội so với 4G.
Dựa trên dữ liệu khách hàng để ra quyết định cho 5G
Khác với thời kỳ 2G, 3G và 4G, hiện nay, các nhà mạng đã có trong tay một lượng lớn dữ liệu về hành vi và nhu cầu của khách hàng thông qua các dịch vụ 4G. Điều này cho phép các nhà mạng phân tích kỹ lưỡng và đưa ra quyết định thông minh hơn khi triển khai 5G.
3 nhà mạng lớn tại Việt Nam Viettel, VNPT và Mobifone đều sở hữu băng tần cho 5G, họ sẽ tự quyết định công nghệ và chiến lược phát triển riêng cho mình, đảm bảo góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
Nhận định về cơ hội và thách thức của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone khi khai trương 5G, Phóng viên Điện tử và Ứng dụng có cuộc trò chuyện với Chuyên gia của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (REV). Thay vì triển khai 5G ồ ạt, Vị chuyên gia này cho rằng có hai quan điểm chính về cách triển khai 5G.
Thứ nhất, cung đáp ứng cầu: Ở những khu vực có nhu cầu cao về 5G, nhà mạng sẽ ưu tiên triển khai trước để phục vụ khách hàng ngay lập tức. Đây là cách tiếp cận trực tiếp, đảm bảo đầu tư vào đúng nơi có nhu cầu thực sự.
Thứ hai, cung kích thích cầu: Ở những khu vực chưa có nhu cầu rõ rệt, nhà mạng sẽ triển khai trước, kích thích người dùng chuyển đổi và khai thác các dịch vụ mới mà 5G có thể mang lại, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng.
Sự kết hợp khéo léo giữa hai cách tiếp cận này sẽ giúp 3 nhà mạng nói chung và VNPT và MobiFone nói riêng tối ưu hóa chi phí đầu tư, đồng thời khai thác triệt để tiềm năng của mạng 5G.
Vinaphone và MobiFone đi sau cần cần khai thác triệt để dữ liệu khách hàng hiện có để xác định khu vực nào cần triển khai sớm, khu vực nào có thể chờ đợi hoặc kích thích nhu cầu. Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ mới trên nền tảng 5G cũng là yếu tố quan trọng để tăng cường trải nghiệm người dùng và giữ vững vị thế cạnh tranh.
Bài học từ Viettel trong “cuộc chiến” 2G và 3G
Viettel là một ví dụ điển hình về việc xây dựng chiến lược đúng đắn trong thời kỳ 2G và 3G. Khi gia nhập thị trường viễn thông, Viettel đã áp dụng chiến lược phủ sóng nhanh và rộng, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các nhà mạng khác chưa đầu tư mạnh. Nhờ đó, Viettel đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị phần và trở thành nhà mạng lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, bài học từ Viettel cũng cho thấy rằng việc áp dụng chiến lược phù hợp với từng giai đoạn công nghệ là rất quan trọng. Khi thị trường 2G và 3G chỉ có các ứng dụng cơ bản như thoại và tin nhắn, việc phủ sóng nhanh và rộng là chiến lược tối ưu. Nhưng với 5G, các nhà mạng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, dựa vào dữ liệu khách hàng và phân tích nhu cầu thị trường để ra quyết định.
Triển khai 5G tại Việt Nam không chỉ là cuộc đua về tốc độ, mà còn là bài toán chiến lược về hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ. Viettel, VNPT và MobiFone cần dựa trên dữ liệu khách hàng để ra quyết định thông minh, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Bài học từ Viettel cho thấy sự sáng suốt trong việc áp dụng chiến lược phù hợp với từng giai đoạn công nghệ là yếu tố quyết định thành công. Với 5G, việc kết hợp giữa công nghệ và dữ liệu sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho các nhà mạng trong tương lai.