Mới đây, Trung Quốc tuyên bố các sản phẩm do Công ty chip Micron của Mỹ sản xuất có rủi ro an ninh quốc gia và sẽ bị cấm mua bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong nước.
Sau khi có thông tin từ phía Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ "kiên quyết phản đối các hạn chế không có cơ sở thực tế", đồng thời cho rằng động thái cấm Micron không phù hợp với các cam kết đã nêu của Bắc Kinh đối với một thị trường mở khung pháp lý minh bạch.
"Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với chính quyền Trung Quốc để trình bày chi tiết lập trường của chúng tôi và làm rõ động thái của họ", Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
Ngày 22-5, Công ty chip Micron thông tin họ đang cân nhắc các bước hành động tiếp theo. "Chúng tôi muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc", trang SCMP trích thông báo của Micron.
Văn phòng Đánh giá an ninh mạng, thuộc Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), hồi tháng 3 đã công bố cuộc điều tra về các sản phẩm của Micron. CAC không tiết lộ họ đã đánh giá sản phẩm nào cũng như phương pháp đánh giá.
CAC cho rằng Micron đã không vượt qua cuộc đánh giá về an ninh mạng, dẫn đến việc các sản phẩm của họ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CIIO) của Trung Quốc, bao gồm từ nhà khai thác viễn thông đến ngân hàng hay công ty cấp nước.
Các quy định liên quan CIIO ở Trung Quốc rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia và sinh kế người dân, bao gồm các lĩnh vực như truyền thông, năng lượng, giao thông, tài nguyên nước hay tài chính.
Thị trường Trung Quốc chiếm 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của Micron trong năm 2022. Các khách hàng Trung Quốc của Micron gồm Lenovo, Xiaomi, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp hay Oppo…
Theo báo SCMP, động thái cấm Micron của Trung Quốc được một số nhà quan sát trong ngành coi là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc của Mỹ.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã siết xuất khẩu các công nghệ bán dẫn tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc, bao gồm cả thiết bị sản xuất chip và phần mềm thiết kế, với lý do rủi ro tiềm ẩn về việc công nghệ cốt lõi của Mỹ lọt vào tay quân đội Trung Quốc.
"Đó có thể là cách Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo tới các nước láng giềng như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những bên bắt đầu có động thái hạn chế bán dẫn Trung Quốc", nhà phân tích Wang Lifu của công ty nghiên cứu ICwise nói với SCMP đầu tháng 5, khi Micron đang bị điều tra.
Tháng 9/2021, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó yêu cầu các nhà khai thác tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xoay quanh các vấn đề về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.