Việt Nam thương mại hóa 5G trong năm nay
Đó là chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tại thông báo số: 04/TB-VPCP ngày 8/1 vừa qua.
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng yêu cầu huy động nguồn lực, hợp tác công tư tranh thủ nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu 100% thôn, bản được cung cấp cáp quang.
MobiFone thử nghiệm dịch vụ 5G tại TP. Hồ Chí Minh tháng 12/2020. Ảnh: MobiFone
Tháng 8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT về kế hoạch thương mại hóa 5G. Bộ TT&TT giao Cục Viễn thông chủ trì phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện và các doanh nghiệp viễn thông di động trong quý IV/2023 nghiên cứu, xây dựng phương án chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp để bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư.
XEM THÊM: Quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz mở đường cho thương mại hóa 5G tại Việt Nam
Ba nhà mạng lớn ở Việt Nam là Vinaphone, Viettel, MobiFone đều đã thử nghiệm thành công 5G và sẵn sàng cung cấp dịch vụ sau khi đấu thầu tần số thành công vào Quý I/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến công bố lộ trình đấu giá băng tần 5G tầm trung (mid band) vào tháng 01/2024 nhằm giúp các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị và tham gia.
Theo bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, đợt đấu giá này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024.
"Về quy hoạch, đã có các băng tần khác cho 5G như băng tần thấp 700MHz, băng tần cao 26GHz, đó là những băng tần trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét để cấp phép cho 5G" - bà Hiền cho biết.
Bàn về lộ trình đấu giá băng tần 5G của Bộ TT&TT, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam cho hay: "Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số. Đây không phải là chính sách mới hoàn toàn mà đã quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 nhằm hai mục tiêu: minh bạch hoá quy trình cấp phép tần số quý hiếm và thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách. Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảo bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh".
Ông Hoan khuyến nghị giải pháp để lộ trình thương mại hóa 5G ở Việt Nam thành công, ông nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu đó, trước hết Nhà nước nên quy hoạch để có từ 3-4 khối tần số ở mỗi đoạn băng tần thấp, trung bình và cao cho thị trường. Việc đấu giá nên thực hiện đồng thời cho các khối trong mỗi đoạn băng tần. Như vậy để các doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh trên thị trường có được cơ hội và điều kiện cạnh tranh bình đẳng".
Lý giải vấn đề trên, ông Hoan cho rằng, làm như vậy cũng tránh được việc đẩy giá tần số lên quá cao, nếu đấu giá và cấp phép 01 khối tần số 5G trong khi các khối khác chưa sẵn sàng.
Đầu những năm 2000, thế giới đã có bài học về giá tần số khi đấu giá tần số cho 3G, nhiều nhà mạng không còn khả năng đầu tư mạng lưới sau khi thắng đấu giá tần số, Ông Hoan dẫn chứng.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.