Cổ phiếu VGI giảm kịch sàn, vốn hóa 'bay' 117.000 tỷ sau chưa đầy 1 tháng
Hình minh họa
Cổ phiếu VGI là một trong những cổ phiếu "hot" từ đầu năm khi tăng từ 25.800 đồng/cp lên mức đỉnh 111.000 đồng/cp vào ngày 10/7, tương ứng mức tăng 330%. Tuy nhiên, với mức giá 72.400 đồng/cp hiện tại, vốn hóa của Viettel Global chỉ còn 220.371 tỷ đồng (khoảng 8,6 tỷ USD), giảm 117.000 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy một tháng.
Cho đến cuối tuần trước, vốn hóa của Viettel Global vẫn xếp thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vietcombank. Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp này đã bị ACV và BIDV vượt mặt, chỉ còn xếp vị trí thứ 4 trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu của Viettel Global giảm không phải là điều bất ngờ, đã được một số chuyên gia dự báo từ trước. Điều này xảy ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã tăng hơn 300% trong nửa đầu năm. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết trong ngắn hạn các cổ phiếu công nghệ có thể gặp sự điều chỉnh lớn.
Nguyên nhân đầu tiên là nhiều nhà đầu tư khi có mức sinh lời cao với cổ phiếu công nghệ sẽ bán ra để chốt lời. Ngoài ra, ông Thế Minh cũng phân tích rằng nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng quá lớn vào nhóm ngành công nghệ, nhưng đây chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Khi nền kinh tế phục hồi, các nhóm ngành khác cũng sẽ tăng trưởng trở lại, thu hút dòng tiền khiến dòng tiền rút bớt khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ.
Năm nay, Viettel Global đã lên kế hoạch kinh doanh đầy "tham vọng", với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ, tăng 41% so với năm trước. Số lãi 2024 dự kiến tăng mạnh nhờ lợi nhuận từ các thị trường đầu tư tăng và giảm trích lập dự phòng tại công ty mẹ. Viettel Global cũng đặt mục tiêu tăng tối thiểu 2 triệu thuê bao viễn thông và tăng tối thiểu 6 triệu thuê bao số.
Nợ xấu tiếp tục gia tăng
Về tình hình tài chính, cuối quý 3.2023, tổng tài sản 50.800 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, VGI có hơn 20.000 tỷ là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Bên cạnh đó, VGI có các khoản phải thu ngắn hạn đang mở mức 11.943 tỷ đồng giảm 18,1% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, khoản dự phòng lại tăng hơn 38% lên hơn 13.000 tỷ đồng.
Theo thuyết minh của Viettel Global, giá trị dự phòng tăng vọt có nguyên nhân từ việc khối nợ xấu của Viettel Global tính đến hết quý 3 đã lên mức 17.011 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 4.007 tỷ đồng (tương đương 23,5%). Cùng chiều với dự phòng, lượng hàng tồn kho cũng tăng lên mức 2.827 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của VGI giảm nhẹ về mức 20.888 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính giảm mạnh về mức 3.150 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 29.914 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 3 của VGI vẫn đang âm 9,3 tỷ đồng do khoản lỗ luỹ kế từ các kỳ trước.