SMART Modular Technologies đón sóng chuyển dịch nhà máy thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam
Đó là chia sẻ của Ông Vincent Hung, Giám đốc phát triển Kinh doanh của Smart Modular Technologies tại Hội thảo kết nối dữ liệu điện toán biên và chuyển đổi Internet vạn vật trong kỷ nguyên 5G được tổ chức ngày 18/7.
SMT muốn đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng việc thiết lập các đối tác phân phối để cung cấp các sản phẩm, giải pháp cho nhà máy thông minh. Ảnh: Hùng Cường
Tại Hội thảo, vị đại diện SMT cho biết, hiện đang có làn sóng rất nhiều nhà máy sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, họ cần các giải pháp cho các nhà máy thông minh, đặc biệt là sử dụng công nghệ AI, kết nối 5G... Ông Vincent Hung nhấn mạnh, các sản phẩm, giải pháp của SMT cung cấp phù hợp cho các nhà máy này.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất để đa dạng hóa hoạt động và giảm phụ thuộc vào "công xưởng thế giới". Các giải pháp bộ nhớ của SMT cung cấp nền tảng vững chắc để xây dựng, chuyển đổi kỹ thuật số, những giải pháp được thiết kế không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà thích nghi, phù hợp với các nhu cầu trong tương lai, bảo đảm sức mạnh để các nhà máy thực hiện đổi mới thông minh hơn.
Smart Modular Technologies đặt mục tiêu thành công tại thị trường Việt Nam trong 3 năm tới, bằng việc thiết lập các nhà phân phối, đối tác cung cấp giải pháp cho các nhà máy thông minh.
Theo đó, SMT cùng phối hợp với các đối tác cung cấp nền tảng mở 5G ORAN (5G Open RAN), xây dựng hệ sinh thái kết nối 5G, AIOT, cung cấp toàn diện cả phần cứng và phần mềm tới khách hàng. Các sản phẩm chính SMT cung cấp trong hệ sinh thái là bộ nhớ (RAM) và ổ cứng lưu trữ SSD.
"Với thế mạnh Smart Modular Technologies đang cung cấp RAM và SSD cho các nhà máy thông minh tại Trung Quốc, công ty sẽ cùng phối hợp với những đối tác cung cấp giải pháp toàn diện, hoặc một phần trong lĩnh vực tự động hóa, nhà máy thông minh, công nghiệp 4.0, IIot... như IBM, Cisco, Dell, HP.. để cung cấp cho các nhà máy đó khi họ di dời nhà máy sang Việt Nam", Ông Vincent Hung nói.
Sản phẩm RAM và ổ cứng lưu trữ SSD, Smart Modular Technologies giới thiệu cho các nhà máy thông minh tại Việt Nam. Ảnh: Hùng Cường
Điểm khác biệt của SMT cung cấp so với các đối thủ cạnh tranh khác tại Việt Nam là các thiết bị RAM và SSD dành cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp với độ bền lên tới 5 năm.
Chia sẻ về chủ đề "Giải pháp MiTAC AI trên nền tảng 5G Edge đến đám mây tại Việt Nam", ông Kenny Sheng, Giám đốc phát triển Kinh doanh của MiTAC cho biết, tại Việt Nam, MiTAC đang làm việc với Tp. Hồ Chí Minh để triển khai hệ thống giao thông thông minh. Tại Quảng Ninh, MiTAC đang làm việc với tỉnh để triển khai hệ thống giáo dục, y tế thông minh và du lịch thông minh. Trong 2 năm tới, MiTAC cũng có kế hoạch xúc tiến với Hà Nội để triển khai các dự án mà MiTAC có thế mạnh.
XEM THÊM: Foxconn đầu tư 250 triệu USD xây 2 nhà máy ở Quảng Ninh
Ông Kenny Sheng nói thêm, MiTAC đang cung cấp các giải pháp ngành đường sắt cho Đài Loan (Trung Quốc): hệ thống điều khiển đường sắt và lưu trữ dữ liệu về hành trình cho ngành đường sắt theo thời gian thực. Đồng thời, MiTAC đã sử dụng các giải pháp 5G ORAN để giải quyết các vấn đề về ngành đường sắt tại Quốc đảo này.
Đại diện MiTAC cho biết thêm về giải pháp 5G AIOT cho nhà máy thông minh. Cụ thể là các giải pháp về máy chủ cho 5G ORAN trong nhà máy thông minh, những dòng máy chủ mới (Firestone) chịu nhiệt độ khi vận hành cao hơn với các dòng khác, lên đến 65 độ C.
Dòng máy chủ mới sử dụng trong nhà máy thông minh được MiTAC giới thiệu tại Hội Thảo. Ảnh: Hùng Cường
Cũng tại Hội thảo, ông Ngô Trung Đông, đại diện Công ty Icomteck chia sẻ về ứng dụng máy tính công nghiệp trong chuyển đổi số. Các sản phẩm máy tính công nghiệp được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các ngành tại Việt Nam, đặc biệt là ngành điện, quân sự quốc phòng, hàng không vũ trụ và công nghiệp 4.0. Hiện Tập đoàn Viettel là khách hàng Icomteck đang cung cấp các sản phẩm máy tính công nghiệp trong các hoạt động của Viettel. Đồng thời, hệ thống máy tính công nghiệp cũng được Icomteck cung cấp cho các trạm thu phí không dừng ETC trên toàn quốc, ông Đông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Tùng, đại diện Red Hat Việt Nam cũng chia sẻ những giải pháp phần mềm, hệ sinh thái 5G mà Red Hat đang cung cấp cho các đối tác trên toàn cầu. Ông đánh giá: "5G có độ trễ cực thấp, bảo mật lớn cho hàng tỷ kết nối cùng một lúc", vì vậy, Red Hat đã cung cấp và hỗ trợ nhiều khách hàng trên toàn thế giới về tự động hóa vận hành điện toán đám mây biên (Edge Cloud Computing) nhất là trong vận hành nhà máy thông minh.
Theo nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn Ericsson, hơn 2/3 nhà sản xuất toàn cầu sẽ chuyển hướng đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, và Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Dự kiến doanh thu từ công nghệ 5G tại Việt Nam sẽ đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030, trong đó ngành sản xuất sẽ dẫn đầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 06 tháng đầu năm 2023, số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,6 tỷ USD. Cụ thể, 06 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 1,608 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 1,086 tỷ USD và số vốn đăng ký điều chỉnh là 451,76 triệu USD với tổng cộng 156 dự án. Lũy kế đến hết tháng 5, số dự án đầu tư của Trung Quốc còn hiệu lực là 3.720 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 24,87 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Các giai đoạn trước, dòng vốn của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng,… thì gần đây các ngành như dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đang thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh những việc làm cần thiết để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn nêu tại Nghị quyết 29, trong đó trọng tâm là về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tạo đột phá cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu cần thực hiện trong giai đoạn này là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù (như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...).
Ngoài ra, cần phải có khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh.