Kiev có thể dùng đất hiếm để đổi lấy viện trợ từ Mỹ
Ứng viên Bộ trưởng Tài chính hé lộ các quan điểm quan trọng định hình tài chính Mỹ Khai thác đất hiếm - Đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam |
![]() |
Kiev có thể dùng đất hiếm để đổi lấy viện trợ từ Mỹ |
Động thái này không chỉ định hình lại chiến lược đối phó với Nga mà còn làm dấy lên những tranh luận về lợi ích thực sự của Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Cho tới nay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thực hiện được lời hứa "kết thúc cuộc chiến Ukraine trong vòng 24 giờ" mà ông nói hồi còn tranh cử, nhưng cuộc mặc cả có vẻ đã bắt đầu với một yếu tố mới được nhấn mạnh trong khoảng hai tuần lễ trở lại đây: nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine.
Tài nguyên chiến lược và thế mặc cả
Ngay sau khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã nhanh chóng tăng sức ép với Nga bằng các biện pháp trừng phạt, đe dọa đánh thuế cao hơn và tuyên bố sẽ thương lượng "cứng rắn" với Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, lời hứa dàn xếp nhanh chóng cuộc xung đột của ông Trump từng làm dấy lên lo ngại từ Kiev là ông sẽ buộc Ukraine chấp nhận những nhượng bộ đau đớn.
Ông Timothy Ash, chuyên gia của Viện nghiên cứu Chatham House tại London (Anh), nhận định trên báo Kyiv Independent: "Tôi nghĩ ông Trump hiện mới là người nắm lợi thế thương lượng, chứ không phải ông Putin". Quả thực, trong tay ông Trump là nhiều lá bài chiến lược mạnh mẽ, từ kinh tế đến quân sự và ngoại giao.
Về kinh tế, Nga đang đối mặt với viễn cảnh u ám khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn. Mỹ cũng có thể gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời củng cố liên minh với châu Âu nhằm cô lập Matxcơva.
"Về cơ bản, cuộc chiến tranh kéo dài không gây thiệt hại gì nhiều cho ông Trump. Kinh tế Mỹ không bị tổn thất. Sinh mạng Mỹ cũng không mất mát gì", theo lời ông Ash, chưa kể một phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine thực ra đã chảy trở lại chính nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Nhận thức được thực tế này, Ukraine thời gian gần đây đã đẩy mạnh việc quảng bá nguồn tài nguyên phong phú của mình. Từ titanium, than chì cho đến lithium và uranium - những khoáng sản này có thể giúp Mỹ vượt xa Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh tài nguyên.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chính quyền Mỹ mới đang có những động thái nghiêm túc nhằm kiểm soát Greenland - hòn đảo khổng lồ cực kỳ giàu tài nguyên thuộc Đan Mạch.
Ukraine hiện sở hữu 22/50 nguyên tố khoáng sản thiết yếu theo danh sách của Mỹ (và 25/34 trong danh sách tương tự của Liên minh châu Âu). Đất đai Ukraine đặc biệt giàu có than chì, lithium, titanium, beryllium và uranium - tất cả đều quan trọng trong sản xuất pin điện, radar và các hệ thống điện tử then chốt trong nhiều ngành dân dụng lẫn quân dụng.
Ngày 3-2, ông Trump đã đáp lại tín hiệu này bằng tuyên bố rằng ông muốn Ukraine đảm bảo nguồn cung đất hiếm và khoáng sản để đổi lấy viện trợ quân sự. Phát biểu này gây tranh cãi dữ dội. Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án cách tiếp cận của ông Trump, gọi đây là hành động trục lợi đáng chỉ trích. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine dường như hiểu rõ họ cần làm gì để duy trì sự ủng hộ từ Mỹ.
Nguy cơ mất tài nguyên vào tay Nga
Điểm đáng lo ngại là phần lớn tài nguyên của Ukraine lại tập trung ở miền đông và nam - khu vực chiến sự ác liệt nhất. Một số vùng giàu tài nguyên nhất, như Dnipropetrovsk, đang bị đe dọa nghiêm trọng khi quân đội Nga siết chặt vòng vây quanh Pokrovsk. Nếu Mỹ muốn đảm bảo nguồn cung đất hiếm, ông Trump sẽ phải tìm cách giúp Ukraine giữ vững những vùng lãnh thổ này.
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã phát tín hiệu về các lệnh trừng phạt mới với Nga. Ngày 22-1, ông tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social: "Nếu không đạt được thỏa thuận (với Nga), tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng thuế, thuế quan và các lệnh trừng phạt với tất cả những gì Nga bán ở Mỹ và các nước có tham gia (lệnh trừng phạt)".
Theo ước tính từ Trung tâm Năng lượng toàn cầu (Đại học Columbia), các biện pháp này có thể khiến Nga giảm xuất khẩu dầu từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày.
Từ phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói trên đài RT rằng Mỹ cần nỗ lực bình thường hóa quan hệ trên cơ sở "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau". Ông Ryabkov cũng khẳng định Matxcơva không có nhu cầu "đi tới một thỏa thuận với Nhà Trắng bằng mọi giá".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin tiết lộ với Hãng tin RIA rằng các tiếp xúc giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng hiện vẫn chỉ dừng ở mức "hết sức sơ khởi", chủ yếu để "đánh giá lập trường, xác định khuôn khổ xem điều gì là khả dĩ".
Đất hiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đây là nhóm 17 nguyên tố kim loại đặc biệt, không thể thiếu trong sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính, xe điện, tuabin gió và các thiết bị quân sự. Tầm quan trọng của đất hiếm đối với Mỹ thể hiện qua nhiều khía cạnh. Về mặt công nghiệp, các nguyên tố này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, chất xúc tác, và các linh kiện điện tử. Trong lĩnh vực quốc phòng, đất hiếm được sử dụng trong radar, hệ thống dẫn đường chính xác, thiết bị nhìn đêm và nhiều công nghệ quân sự tiên tiến khác. Tuy nhiên, Mỹ hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc - quốc gia kiểm soát khoảng 85% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Điều này tạo ra rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng và đặt Mỹ vào thế bị động trong các cuộc đàm phán thương mại. Để giảm thiểu rủi ro này, chính phủ Mỹ đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư vào khai thác và chế biến đất hiếm trong nước, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế như Australia và Canada. Ngoài ra, Mỹ cũng đang thúc đẩy nghiên cứu các vật liệu thay thế và công nghệ tái chế để giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh nguồn cung mà còn hỗ trợ các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững của quốc gia. |
Có thể bạn quan tâm
![Samsung là nhà cung cấp chất bán dẫn số 1 toàn cầu năm 2024](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/07/09/ai-cpu20250207091312.jpg?rt=20250207091313?250207101216)
![Dự báo 10 xu hướng công nghệ đột phá năm 2025](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/012025/29/10/du-bao-10-xu-huong-anh-1-kynguyenai20250129101135.jpg?rt=20250129101141?250129101927)
Dự báo 10 xu hướng công nghệ đột phá năm 2025
Xu hướng![AI thay đổi cuộc sống: từ Nhà thông minh, ô tô tương tác đến chăm sóc sức khỏe](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/012025/20/16/chuan-chung-cho-nha-thong-minh20250120165430.jpg?rt=20250120165432?250123112127)
AI thay đổi cuộc sống: từ Nhà thông minh, ô tô tương tác đến chăm sóc sức khỏe
AI![Dòng thiết bị chuyển mạch Switchtec PCIe Gen 4.0 16 kênh mới đảm bảo độ linh hoạt cho các ứng dụng điện toán nhúng và ô tô](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/012025/17/13/croped/ung-pr-pci100x-family-switches20250117134303.jpg?250117015014)
Dòng thiết bị chuyển mạch Switchtec PCIe Gen 4.0 16 kênh mới đảm bảo độ linh hoạt cho các ứng dụng điện toán nhúng và ô tô
Xe và phương tiện![Kể chuyện bằng dữ liệu](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/012025/16/09/ke-chuyen-bang-du-lieu20250116090835.jpg?rt=20250116090837?250116045040)